Giai đoạn mang thai tháng thứ 5, em bé đã lớn và cứng cáp rất nhiều, không còn nhạy cảm như 3 tháng đầu. Do đó những cơn đau bụng khi mang thai tháng thứ 5 không còn quá nguy hiểm, chủ yếu là các nguyên nhân bình thường do thay đổi bên trong cơ thể. Tuy nhiên, vẫn có những nguyên nhân tới từ các bệnh lý nguy hiểm mà mẹ bầu không thể lơ là. Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây ra hiện tượng đau bụng khi mang bầu 5 tháng và cách xử lý phù hợp nhé.
Nguyên nhân đau bụng khi mang thai
Có khá nhiều nguyên nhân gây hiện tượng đau bụng khi mang thai tháng thứ 5, đa số là các nguyên nhân thông thường do thay đổi của cơ thể khi mang thai. Dưới đây là một vài nguyên nhân thường gặp nhất.
Dãn cơ bụng và dây chằng
Vào tam cá nguyệt thứ 2, kích thước của thai nhi và tử cung tăng nhanh chóng và chiếm khá nhiều diện tích, bụng mẹ bầu to ra. Lúc này, cơ bụng và các dây chằng phải dãn ra, bị kéo căng để phù hợp với kích thước mới, từ đó gây ra hiện tượng đau bụng lâm râm, các cơn đau thường nhanh hết và không quá nặng.
Tình trạng này sẽ xuất hiện nhiều hơn nếu mẹ bầu ít hoạt động, ngồi hoặc đứng quá lâu cùng 1 tư thế hay hoạt động mạnh.
Vết đau từ lần sinh mổ trước đó
Theo các chuyên gia thì sau khi sinh mổ, chị em cần nghỉ ngơi trung bình từ 5 – 6 năm, ít nhất là 2 – 3 năm để phục hồi, sau đó mới nên mang thai và sinh con trở lại.
Nếu bạn có thai quá gần với thời điểm sinh mổ trước đó, khi tử cung phát triển lớn lên sẽ tác động vào các vết khâu cũ chưa kịp lành, gây ra hiện tượng đau và nguy cơ bục vết mổ.
Táo bón thai kỳ
Một trong những nỗi lo của mẹ bầu trong thời gian mang thai là hiện tượng táo bón. Sự thay đổi nội tiết tố, chế độ dinh dưỡng và sự chèn ép của tử cung lên hệ tiêu hóa khiến mẹ bầu dễ bị táo bón.
Các cơn táo bón lại là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng đau bụng cho mẹ bầu trong tháng thứ 5. Để khắc phục, mẹ bầu hãy ăn nhiều thực phẩm có chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa nhé.
Nhiễm trùng đường tiểu
Tuy ban đầu không quá nguy hiểm nhưng mẹ bầu cũng cần phát hiện nhiễm trùng đường tiểu sớm và có hướng điều trị để không ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Biểu hiện thường gặp của nhiễm trùng đường tiểu là các cơn đau bụng dưới kèm theo căng tức ngực, khó thở, đi tiểu khó khăn, bỏng rát, sốt, nôn và buồn nôn…
Tâm lý thay đổi
Tâm lý tác động rất nhiều đến những thay đổi trong cơ thể. Nếu trong thời gian mang thai tháng thứ 5 mà mẹ bầu bị căng thẳng, stress, áp lực trong cuộc sống và công việc thì những lo lắng trên sẽ khiến chị em bị đau bụng và căng tức ngực, khó thở.
Không chỉ vậy, tâm lý trên hoàn toàn không tốt cho sự phát triển của thai nhi, chị em nên có hướng nghỉ ngơi, giải trí để giải tỏa căng thẳng.
Các bệnh lý khác
Ngoài các nguyên nhân trên, đôi khi một số bệnh lý cũng gây hiện tượng đau bụng khi mang thai tháng thứ 5.
Những bệnh thường gặp có thể kể đến như rối loạn tiêu hóa, bệnh phụ khoa, viêm tụy, viêm ruột thừa, viêm đại tràng…
Đau bụng khi mang thai tháng thứ 5 nguy hiểm không?
Ngoài các nguyên nhân thông thường, mẹ bầu còn có khả năng gặp phải các biến chứng nguy hiểm trong tháng thứ 5 thai kỳ. Nếu không phát hiện và xử lý sớm có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Bong nhau thai
Đây là hiện tượng khá nguy hiểm khi nhau thai bị bóc tách ra khỏi thành tử cung, tùy mức độ mà sự nguy hiểm sẽ tăng cao, nặng nhất có thể gây sẩy thai, mất máu cấp, cần cấp cứu ngay lập tức.
Triệu chứng của hiện tượng bong nhau thai là cơn đau phía dưới bên phải tăng dần lên rất nhanh. Kèm theo đó là hiện tượng chảy máu vùng kín với lượng máu nhiều, có xuất hiện máu đông.
Sẩy thai
Biểu hiện của hư thai rất đa dạng, nhưng chủ yếu là mẹ bầu sẽ bị đau bụng dưới ngắt quãng, các cơn đau mỗi lần xuất hiện sẽ đau hơn lần trước. Tới khi thai nhi bị sẩy hoàn toàn thì các cơn đau biến mất.
Nhìn chung nếu xuất hiện các cơn đau thắt dữ dội, ngắt quãng kèm theo chảy máu âm đạo thì mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay.
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là hiện tượng khá hiếm trong giai đoạn mang thai tháng thứ 5, tuy nhiên mẹ bầu cũng không nên bỏ qua nguyên nhân này. Đau bụng khi bị viêm ruột thừa thường kèm theo các biểu hiện như đau bụng nhiều, cơ thể mệt mỏi, thiếu nước, sốt cao, mạch nhanh…
Nếu nhận thấy các dấu hiệu viêm ruột thừa trên, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.
Những lưu ý cho mẹ bầu mang thai tháng thứ 5?
Dù ở tháng nào thì giai đoạn mang thai đều khá nhạy cảm, do đó mẹ bầu cần một vài lưu ý để giữ bản thân và em bé luôn an toàn, khỏe mạnh.
- Khi có các cơn đau bụng, cần nghỉ ngơi và chú ý các biểu hiện kèm theo. Nếu chỉ là các cơn đau nhẹ thì không có gì phải lo lắng, nhưng nếu kèm các biểu hiện như ra máu, đau quặn thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
- Không nên làm việc nặng, vận động quá mạnh. Ngoài khiến cơ thể mệt mỏi thì có thể gây tác động đến thai nhi.
- Không nên đứng, ngồi hay nằm một tư thế quá lâu, đặc biệt là tư thế ngồi xổm hay khom lưng.
- Luôn giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ bầu và thai nhi.
- Luôn uống đủ nước.
- Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vùng kín sạch sẽ để tránh các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
- Chọn các loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, không được quá bó buộc gây khó khăn cho việc vận động.
Qua những thông tin trên, hy vọng bạn đã nắm rõ nguyên nhân gây ra các cơn đau bụng khi mang thai tháng thứ 5 rồi. Hãy có sự chuẩn bị và phản ứng kịp thời khi những cơn đau bụng xảy ra nhé, chúc mẹ và thai nhi luôn khỏe mạnh.
Về tác giả:
Chúng tôi không kiếm lợi nhuận từ nội dung đăng tải. Các bài viết đều được biên soạn và kiểm duyệt bởi đội ngũ tác giả và biên tập viên của trang sức khỏe và sắc đẹp Hương.Vn – Cửa hàng sức khỏe Hương Việt Nam. Xem thêm về tác giả