Bị thai lưu có dễ có thai lại không? khi nào nên mang thai lại? có thai lại sau thai lưu 2 tháng có sao không? Rất nhiều câu hỏi mà chị em không may bị thai lưu quan tâm, lo lắng.
Thai lưu là điều không ai mong muốn, nhưng nếu gặp phải, chị em cần nhanh chóng lấy lại tinh thần để trở lại với cuộc sống.
Vấn đề mà chị em quan tâm là thời điểm để mang thai lại.
Liệu có thai lại sau thai lưu 2 tháng có nguy hiểm không?
Làm sao để thai nhi khỏe mạnh ở lần mang thai tiếp theo?
Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn qua những thông tin dưới đây.
Tìm hiểu một chút về thai lưu
Thai lưu (thai chết lưu) là hiện tượng dù cho trứng đã được thụ tinh và làm tổ trong tử cung, đã phát triển được một thời gian nhưng vì lý do nào đó mà phôi thai dừng phát triển.
Phôi thai đã chết này lưu lại trong tử cung nên gọi là thai lưu.
Thai lưu sẽ cần phẫu thuật hay dùng thuốc để loại bỏ khỏi cơ thể mẹ. Nếu để lâu, thai lưu có thể gây ra một sốt phản ứng sinh hóa và huyết học.
Cụ thể thai lưu sẽ gây rối loạn đông máu, mức độ nguy hiểm tỉ lệ thuận với độ lớn của thai nhi. Nếu không sớm thực hiện loại bỏ, có thể gây biến chứng nguy hiểm như băng huyết, nhiễm khuẩn, có thể khiến thai phụ tử vong.
Ngoài ra, thai lưu có ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của vợ chồng khi mất đi đứa con chưa chào đời.
Thai lưu có ảnh hưởng lần mang thai tiếp theo
Nhiều chị em lo lắng liệu bị thai lưu có ảnh hưởng tới lần mang thai tiếp theo.
Trên thực tế, tình trạng thai lưu rất hiếm khi lặp lại ở các lần mang thai sau, tuy nhiên vẫn ảnh hưởng một chút đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Bởi vậy, nếu mang thai lần sau, chị em nên tuân thủ đầy đủ theo sự tư vấn của bác sĩ để quá trình mang thai và sinh nở được thuận lợi.
Nếu như chị em nào bị thai lưu đến lần thứ 3 thì cơ thể rõ ràng là đang có vấn đề, cần tiến hành các kiểm tra chi tiết để tìm ra nguyên nhân chính xác khiến thai bị chết lưu.

Có thai lại sau thai lưu 2 tháng có sao không?
Sau khi bị thai lưu và trải qua quá trình loại bỏ thai chết lưu khỏi cơ thể. Chị em sẽ bị suy giảm sức khỏe và sức đề kháng rất nhiều.
Để phục hồi sức khỏe, chị em cần có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ trước khi nghĩ tới việc quan hệ và mang thai lần nữa.
- Quan hệ: đối với thai lưu hơn 15 tuần, chị em cần khoảng 1 tháng để nghỉ ngơi, ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Khi cảm thấy cơ thể đã hồi phục, khỏe mạnh, có ham muốn thì mới có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thời điểm mang thai nên vợ chồng cần thực hiện các biện pháp tránh thai đầy đủ.
- Mang thai: sau khi loại bỏ thai lưu, chị em cần khoảng 3 tháng để các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt trở lại, khi đó mới có thể mang thai.
Vậy nếu mang thai sau khi bị thai lưu 2 tháng có sao không?
Lời khuyên của bác sĩ là bạn nên mang thai sau khi hút thai lưu được 3 tháng, nhưng nếu vỡ kế hoạch và bạn mang thai chỉ sau 2 tháng thì cũng không sao cả.
Tuy vậy lúc này sức khỏe và các cơ quan của chị em vẫn chưa hoàn toàn khỏe mạnh, do đó chị em cần tuân thủ tuyệt đối chế độ sinh hoạt mà bác sĩ đưa ra để đảm bảo giữ được thai.
Cần lưu ý gì trước khi mang thai lại lần 2?
Có đến hơn 70% thai lưu không xác định rõ được nguyên nhân, nhưng nhìn chung vẫn có những yếu tố nhất định ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi.
Do đó, trước khi có kế hoạch mang thai lại, bạn nên thực hiện một số kiểm tra nhất định để hiểu rõ sức khỏe của mình, từ đó hạn chế nguy cơ thai lưu trong lần tiếp theo.
Các xét nghiệm bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ nhằm kiểm tra các bất thường trong di truyền.
- Xét nghiệm máu nhằm kiểm tra nồng độ nội tiết tố.
- Khảm tổng quát chức năng các cơ quan bên trong như tim, phổi, gan, thận…
- Xét nghiệm tinh dịch nhằm kiểm tra chất lượng tinh trùng của người chồng.
- Kiểm tra yếu tố Rh trong máu từ đó có thể phát hiện bất đồng nhóm máu mẹ con.
- Siêu âm ổ bụng nhằm xác định sức khỏe sinh sản của chị em, chủ yếu là tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng.
Ngoài ra, chế độ sinh hoạt, thể dục đều đặn, tránh xa thực phẩm có hại cũng rất quan trọng trong việc chuẩn bị cho thai kỳ sắp tới.
Những lưu ý khi có bầu lại sau 2 tháng bị thai lưu
Như đã nói ở trên, chị em có thai sau 2 tháng thai lưu cần đặc biệt chú ý tới chế độ sinh hoạt của mình. Dưới đây là một vài lưu ý mà chị em cần nắm rõ.
Khám sức khỏe định kỳ
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và thai nhi khi mang thai lại sau khi thai lưu 2 tháng, chị em cần đi khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Việc này nhằm theo dõi tình trạng phát triển của thai cũng như nhanh chóng phát hiện các biểu hiện bất thường trên thai nhi nếu có, tránh các rủi ro không mong muốn.

Dinh dưỡng
Thực đơn cho mẹ bầu là vấn đề rất quan trọng, bữa ăn hàng ngày của mẹ cần đảm bảo có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như đạm, chất béo, tinh bột, chất xơ, canxi, vitamin và khoáng chất…
Thực đơn nên hạn chế các thức ăn cay nóng, chiên rán nhiều dầu mỡ.
Cần tránh xa các thực phẩm có khả năng gây co thắt tử cung như dứa, lê, đào, mận… ít nhất là trong 3 tháng đầu.
Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, bia rượu, thuốc lá.
Khôi phục tinh thần
Tinh thần là điều vô cùng quan trọng, bạn cần nhanh chóng bỏ qua nỗi buồn thai lưu lần trước.
Cùng với đó là tạo cảm giác lạc quan, đừng để sự việc lần trước khiến bạn lo lắng, lâu dần dẫn tới stress, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Tất nhiên, không chỉ mỗi chị em, người thân trong gia đình cũng cần quan tâm nhiều hơn tới mẹ bầu, cho chị em cảm giác được an toàn, tự tin hơn, từ đó giúp quá trình mang thai diễn ra suôn sẻ, an toàn.
Quan hệ
Việc quan hệ vợ chồng trong thời gian mang thai là hết sức bình thường.
Tuy nhiên, nếu chị em có tiền sử bị thai lưu, sinh non hay sảy thai thì tốt nhất nên tránh việc quan hệ trong thời gian mang thai, ít nhất là trong 3 tháng đầu tiên.
Qua những thông tin trên, chúng ta có thể thấy việc có thai lại sau thai lưu 2 tháng tuy không khuyến khích nhưng cũng không phải là quá nguy hiểm.
Hãy có sự chuẩn bị kỹ càng về sức khỏe, tinh thần để mẹ và bé trải qua một thai kỳ suôn sẻ nhé.